Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá: tiềm năng và cơ hội rộng mở khi Thanh Hóa phát triển thành một trung tâm, một cực tăng trưởng, tạo sức lan tỏa lớn trong vùng, tạo ra giá trị chung của cả khu vực thông qua liên kết vùng. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn chính quyền tỉnh Thanh Hóa đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư; doanh nghiệp nước ngoài đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trên con đường đi đến thành công.
Định hướng phát triển thành một trung tâm, một cực tăng trưởng, tạo sức lan tỏa lớn trong vùng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, truyền thống và bản sắc văn hóa của miền đất “địa linh nhân kiệt”, cùng với vị trí lý tưởng về địa lý trong liên kết vùng để phát triển kinh tế chính là hai động lực quan trọng, Thanh Hóa sẽ phát triển thần tốc nếu tận dụng được những lợi thế này.
Thanh Hóa mang trong mình vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng cũng như đối ngoại của cả nước vì nằm ở vị trí kết nối khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, có đường biên giới với nước anh em Lào, có đường cao tốc Bắc – Nam chạy qua cùng hơn 100km đường bờ biển. Đồng thời, hạ tầng giao thông dần được hình thành một cách đồng bộ kết nối Thanh Hóa với các tỉnh thành khác, Cảng hàng không Thọ Xuân và Cảng biển Nghi Sơn; hạ tầng giao thông nội bộ trong tỉnh được đầu tư bằng sự hỗ trợ từ địa phương và Trung ương.
Chuẩn bị những điều kiện cần thiết để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược
Để sớm hiện thực hóa được tầm nhìn chiến lược nói trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Thanh Hóa nên xác định mục tiêu chiến lược của mình đó là phải tập trung phát triển nhanh trên cở sở quy hoạch chiến lược chắc chắn và phát huy tối đa tiềm năng kết nối giữa Thanh Hóa với các tỉnh thành lân cận để hình thành một cực tăng trưởng trong vùng. Đối với khu vực giáp biển ở phía Đông và khu vực trung tâm thì việc phát triển phải được ưu tiên, làm đòn bẩy để tỉnh phát triển vượt bậc và cũng như tạo điều kiện giúp đỡ khu vực phía Tây cùng phát triển. Khu vực phía Tây trở thành vùng dự trữ sinh thái tự nhiên, tạo nên tính bền vững cho sự phát triển của Thanh Hóa.
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa cần chuẩn bị cho được những điều kiện cần thiết về quy hoạch, thể chế, đổi mới các thủ tục, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết như cung cấp năng lượng, cung cấp nước, nguồn nhân lực… để thu hút các dự án trong và ngoài nước.
Hiện nay, quy mô kinh tế của Thanh Hóa vẫn còn khiêm tốn, vì vậy Bộ trưởng cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cần phải đẩy lên trên 10% một năm, lấy công nghiệp chế tác và du lịch, dịch vụ làm trọng tâm cùng với ngành nông nghiệp phát triển và mạng lưới hạ tầng giao thông làm bàn đạp. Thanh Hóa với mục tiêu vào năm 2030, quy mô kinh tế của tỉnh đạt mức 50 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD.
Bộ trưởng đánh giá, Thanh Hóa đang thực hiện một bước đi đột phá, táo bạo và đổi mới khi kết hợp với Công ty tư vấn BCG – một công ty tư vấn chiến lược hàng đầu của thế giới – để xây dựng quy hoạch phát triển chiến lược cho tỉnh từ nay đến năm 2030. Trên nền tảng vốn có, kết hợp với những ý kiến tham gia của các chuyên gia, Thanh Hóa hoàn toàn có thể giới thiệu với các nhà đầu tư những cơ hội và tiềm năng mang những định hướng cụ thể, rõ ràng để dự án được đầu tư hiệu quả trên địa bàn tỉnh, giúp cho doanh nghiệp lớn mạnh cũng như tăng cao sự phát triển của tỉnh. sẽ giới thiệu được với các doanh nghiệp và nhà đầu tư những lợi thề, tiềm năng khi đầu tư và vạch ra định hướng kinh doanh rõ ràng.
Tầm nhìn mới – Cơ hội mới
Phân tích về Quy hoạch chiến lược phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 với 5 trụ cột chính, trên cơ sở đánh giá những điểm mạnh, điểm hạn chế của địa phương, Bộ trưởng đã nêu bật những định hướng, giải pháp chiến lược mà Thanh Hóa cần tập trung để tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế và những cơ hội trong quá trình phát triển.
Đối với các ngành công nghiệp chế tạo và chế biến, theo xu thế dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đang tăng trưởng tốt, các doanh nghiệp đang phát triển nhanh và mạnh, Thanh Hóa cần phát huy tốt cơ hội này kết hợp với hai lợi thế mà tỉnh đang có để phát triển, đó là: lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào với dân số hơn 3,5 triệu người và lợi thế về sức mạnh kết nối về mặt giao thông, đi lại.
Về phát triển du lịch, các khu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tập trung khu vực ven biển. Bộ trưởng đánh giá, Sầm Sơn là điểm du lịch hấp dẫn nhưng mới chỉ khai thác được những tháng mùa hè và Thanh Hóa còn hơn 100 km bờ biển chưa được khai thác. Vì vậy, việc khai thác du lịch biển cần đi cùng với nghỉ dưỡng, văn hóa, tổ chức các sự kiện,… để mọi thứ được phát huy đúng theo tiềm lực của nó và duy trì hoạt động trong cả năm. Điều cần thiết nhất trong ngành du lịch Thanh Hóa là tối ưu được mô hình quản lý, sản phẩm, quà lưu niệm du lịch phù hợp hướng tới tạo ra thương hiệu riêng cho du lịch Thanh Hóa.
Phát triển dịch vụ y tếtiên tiến phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong và ngoài tỉnh là 1 chiến lược tốt. Dân số của tỉnh gồm 3,5 triệu nhân khẩu cùng hơn 7 triệu người dân từ các tỉnh xung quanh trong điều kiện kết nối giao thông thuận lợi, Thanh Hóa cần triển khai nhanh ý tưởng này, một mặt đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân trong vùng.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cần lưu ý phát triển mạng lưới các cơ sở đào tào nguồn nhân lực. Đây cũng chính là lĩnh vực tạo sức hút cho những doanh nghiệp đầu tư đi cùng với mục tiêu đào tạo và phát triển lực lượng lao động cho tỉnh nhà và các địa phương lân cận bằng nhiều phương thức phù hợp.
Hướng tới một mô hình mới là nông nghiệp đạt hiệu quả tích cực thay vì phát triển nông nghiệp giá trị cao; nhưng phải luôn gắn liền với các định hướng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp về mảng nông nghiệp, tạo mối liên kết với người dân trong địa phương; đồng thời ứng dụng công nghệ mới, hiện đại cùng hệ thống quản lý tiên tiến và giải được bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Để phát triển mô hình này, Thanh Hóa phải giải quyết được vấn đề đất đai, các chính sách phải đủ sức thuyết phục để các doanh nghiệp nông nghiệp tham gia cũng như các việc định hướng để người dân làm quen dần với mô hình nông nghiệp chuyên nghiệp, theo định hướng thị trường.
Về phát triển hạ tầng – vấn đề then chốt, nút thắt cần tháo gỡ của nhiều địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với định hướng phát triển là một trung tâm kết nối liên vùng thì mạng lưới giao thông đường bộ là tối quan trọng. Theo đó, Thanh Hóa không cần xây dựng nhiều đường, nhưng đường phải có chất lượng, đảm bảo giao thông thuận lợi, kết nối được với các địa phương xung quanh, kết nối được các KCN, KKT, du lịch,… với các trục đường giao thông huyết mạch, với cảng nước sâu Nghi Sơn, đường cao tốc Bắc – Nam, đường ven biển, sân bay Thọ Xuân…
Để giải quyết vấn đề khó khăn về nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, Bộ trưởng lưu ý tỉnh Thanh Hóa phải có một chiến lược sử dụng nguồn vốn ngân sách thật khéo léo và hiệu quả, trong đó tính đến đầu tư những dự án trọng điểm và lan tỏa, đồng thời có cơ chế tốt để kêu gọi, thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào đầu tư phát triển hạ tầng thông qua hình thức đối tác công tư (PPP).
Bên cạnh đó, Thanh Hóa cần quan tâm đến hệ thống cung cấp năng lượng, cung cấp nước, xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường để tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.
Khẳng định lại quan điểm “không tăng trưởng bằng mọi giá”, Bộ trưởng nhấn mạnh, Thanh Hóa cần vạch ra các chiến lược nhằm phát triển các dự án đầu tư sở hữu công nghệ hiện đại, tiên tiến và thân thiện với môi trường.
Đồng hành cùng doanh nghiệp để đi đến thành công
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hy vọng thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017, các doanh nghiệp nắm bắt và sẽ khai thác hiệu quả các cơ hội đầu tư; đồng thời bày tỏ mong muốn chính quyền tỉnh Thanh Hóa sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trên con đường đi đến thành công của mỗi doanh nghiệp, thành công của địa phương cũng như của cả nước trong quá trình phát triển.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiêm túc tiếp thu những sự chỉ đạo đúng đắn của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị và cùng các Ban ngành liên quan hỗ trợ, phối hợp với Thanh Hóa trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trong mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, gắn với phát triển liên kết vùng; đồng thời, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng trong việc hỗ trợ xử lý các vấn đề của doanh nghiệp; các dự án tại địa phương với mục đích xây dựng môi trường kinh doanh luôn đồng hành và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.