Trong thời gian gần đây, vùng Đồng bằng sông Hồng đã phát triển và gặt hái được những thành quả tốt trong vấn đề quy hoạch và thu hút nguồn đầu tư vào các KCN. Kết quả đạt được không chỉ dừng lại ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên mà còn thể hiện rõ rệt đối với các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng như Hà Nam, Nam Định, Thái Binh.
Tuy nhiên, với sự suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 2009 đã có những ảnh hưởng nhất định đối với việc thu hút đầu tư và thực hiện các dự án trên toàn quốc cũng như vấn đề sử dụng đất và tạo sức hút đầu tư từ các KCN cũng chịu tác động nhất định. Có thể tóm lược về trên qua những kết quả sau:
Thứ nhất, Quỹ đất dùng để phát triển các Khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt qua đến hết 2015 và xác định đến năm 2020 tiếp tục được sử dụng để xây dựng các KCN. Đã có 9 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên là 2.400 ha và tổng diện tích đất công nghiệp có khả năng cho thuê đạt 1.500 ha trong vòng hai năm 2008 và 2009. Mức tăng trưởng về số lượng và diện tích các KCN hằng năm ổn định với khoảng 4-5KCN và 1200-1500 ha trong 1 năm. Đến các quý cuối năm 2009, ở vùng Đồng bằng sông Hồng đã có 61 KCN được thành lập với tổng diện tích lên đến 13.800 ha trong đó có 9.400 ha diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê. Số lượng KCN chiếm 26% và 23% về tổng diện tích đất tự nhiên các KCN so với cả nước.
Thứ hai, Các KCN triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ bản đã hoàn thành trong công tác chuẩn bị để bắt đầu thu hút nguồn đầu tư. Đã có 49 trên tổng số 61 KCN được thành lập hoàn thiện cơ bản về kết cấu cơ sở hạ tầng và bắt đầu đi vào vận hành khai thác với tổng diện tích đất tự nhiên đạt 9.550 ha. Tính đến cuối năm 2009, tổng số vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật các Khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 2.300 triệu USD và 12.220 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư để thực hiện nằm trong khoảng 30%. Tỷ lệ tương đối thấp và có phần bị giảm vì chịu sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Thứ ba, tỷ lệ được lấp đầy diện tích đất công nghiệp bị giảm so với những năm trước vì xu hướng đầu tư giảm. Tuy nhiên, nó vẫn duy trì ở mức ổn định đối với các Khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Tổng diện tích đất đã được cho thuê của các KCN đang khai thác vận hành đạt mức 4000 ha, chiếm 65% trên tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê. Một số KCN căn bản có thể sử dụng hết diện tích đất công nghiệp cho thuê có thể kể đến như Thăng Long, Tiên Sơn, Quế Võ, Nomura, Hòa Xá, Đồng Văn I.
Thứ tư, công tác quản lý quy hoạch và phát triển các KCN được điều chỉnh theo hướng lập quy hoạch tổng thể hệ thống với mục tiêu dài hạn. Tình trạng đề xuất quy hoạch KCN bừa bãi, tràn lan đã được cân nhắc và hạn chế. Đối với những địa phương có truyền thống sản xuất nông nghiệp nên việc sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng, phát triển các KCN, phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để xây dựng trên đất nông nghiệp, các cơ quan ban ngành đã tính toán, cân nhắc kĩ càng về hiệu quả phát triển cũng như đảm bảo đời sống cho người dân có đất bị thu hồi để phục vụ phát triển KCN.
Nhìn chung, việc sử dụng đất và tạo thu hút nguồn đầu tư đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, vùng đồng bằng Sông hồng nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn gặp một số hạn chế có thể kể đến như:
Gặp khó khăn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng do giá đất đai chưa ổn định. Một số KCN vẫn chưa giải quyết được khâu đền bù sau một thời gian dài có thể kể đến như KCN Bình Xuyên, KCN Khai Quang.
Về tiến độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, bị chững lại vì tình hình kinh tế khó khăn. Khả năng đồng bộ trong công tác vận hành của các khu chức năng cũng như kết nối cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài KCN còn gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là về các vấn đề cung cấp năng lượng, mạng lưới giao thông cũng như giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường.
Về vấn đề thúc đẩy đầu tư, nhìn chung các địa phương đã tích cực thúc đẩy, kêu gọi vốn đầu tư và quảng bá hình ảnh trong và ngoài nước nhưng chất lượng và hiệu quả chưa cao vì nguồn kinh phí còn ít, kỹ năng xúc tiên của địa phương còn yếu kém, chưa đồng bộ trong công tác phối hợp các cơ quan.
Vì điều kiện về vị trí địa lý, mạng lưới hạ tầng giao thông, đồng đều trong việc phát triển kinh tế ở các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng chưa đồng đều đã tạo ra một số khó khăn nhất định. Vấn đề thu hút nguồn đầu tư đi kèm nguồn lực to lớn về tài chính, công nghệ hiện đại vào các KCN phía nam đồng bằng sông Hồng còn gặp nhiều khó khăn.
Một vấn đề mà hầu như cả nước đều lâm vào tình trạng chung đó là các nhà đầu tư và Cơ quan quản lý của Nhà nước chưa thực sự quan tâm đến tính đúng đắn trong việc liên kết ngành giữa các doanh nghiệp trong KCN cũng như giữa các KCN trong địa phương. Việc thu hút đầu tư nhằm lắp đầy diện tích đất luôn được ưu tiên phát triển. Cho thuê đất công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cho các chủ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KCN, tuy nhiên trong thời gian dài, cần tính đến vai trò của liên kết ngành KCN đối với việc phát triển kinh tế theo vùng sẽ được hiển thị rõ ràng và cần được tính đến trong vấn đề quy hoạch và thu hút vốn đầu tư của KCN.
Nhìn chung, các KCN thuộc vùng đồng bằng sông Hồng đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng tích cực dù chịu sử ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong thời gian sắp tới, việc thu hút đầu tư sẽ khả quan vì hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội và KCN đang được cải thiện từng ngày.
Để hoàn thiện hệ thống các KCN trong tương lai, các địa phương cần có thể phát triển và xây dựng KCN theo một số định hướng sau:
Một là tiếp tục thực hiện nghiên cứu để hoàn thiện Quy hoạch tổng thể KCN trên phạm vi toàn quốc làm tiền đề cho các địa phương thống nhất trong việc triển khai và thực hiện. Quy hoạch cần phụ hợp với điều kiện và sức hút thực tế của địa phương, hạn chế phát triển trên đất nông nghiệp có năng suất cao để đảm bảo việc phát triển hài hòa giữa công nghiệp và lương thực.
Hai là trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như đều bù, các thủ tục đều phải tuân thủ theo pháp luật. Cần quan tâm tới việc đảm bảo nguồn sống lâu dài của người dân có đất nằm trong diện bị thu hồi, đặc biệt là nông dân. Tạo điều kiện cho người nông dân trong vùng nông nghiệp kém hiệu quả chuyển nghề qua làm việc trong KCN hoặc dịch vụ để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bà là tiến hành kiểm tra tiến độ, khả năng triển khai các dự án phát triển kết cầu hạ tầng kỹ thuật cũng như các dự án được đầu tư vào KCN, thúc đẩy nhà đầu tư chạy tiến độ như cam kết, đồng thời thu hồi các dự án không có khả năng thực hiện sau khi rà soát kĩ lưỡng.
Bốn là điều chỉn chính sách đầu tư thích hợp với điều kiện thực tế mỗi địa phương để nâng cao hàm lượng công nghệ và vốn đầu tư trong các dự án. Xác định các ngành nghề trọng điểm, mối liên kết giữa các ngành chiến lược theo từng địa phương, từng KCN để làm tiền đề trong việc thu hút đầu tư cũng như giúp tăng hiệu quả sử dụng đất và vai trò của KCN trong việc phát triển kinh tế của vùng.
Năm là đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện chất lượng và hiệu quả trong đầu tư. Tập trung vào các nhà đầu tư lớn, uy tín cao cùng với các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thu hút được lực lượng lao động có tay nghề cao, đảm bảo vấn đề môi trường. Đảm bảo tính thống nhất, hướng đến mục tiêu chung và hiệu quả của công tác xúc tiến đầu tư.
Có thể bạn quan tâm:
Đồng bằng sông Cửu Long: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư