Năm 2012, Thành phố đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND, tập trung cao cho công tác chỉ đạo điều hành sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; xây dựng và bước đầu triển khai Đề án tái cấu trúc kinh tế, tập trung tái cơ cấu đầu tư và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 tại Hải Phòng tăng 8,12%, tuy thấp hơn so với kế hoạch đề ra nhưng kết ugấp 1,56 lần bình quân chung của cả nước (trong đó, tốc độ tăng trưởng nhóm nông, lâm, thủy sản là 4,59%; nhóm công nghiệp, xây dựng là 5,75% và nhóm dịch vụ là 10,47%); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,4%; hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,5%, bằng 98,8% kế hoạch; hoạt động đầu tư phát triển tiếp tục được tăng cường, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đạt 38.246 tỷ đồng, tăng 9,15% so với cùng kỳ, đạt 100,7% kế hoạch.
Đặc biệt, trong năm 2012, tổng số vốn đầu tư FDI cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đạt 1.233,46 triệu USD, tăng gấp 1,27 lần so với cùng kỳ năm 2011, đạt 123,3% kế hoạch. Trong đó, tại các KCN có 17 dự án cấp mới với vốn đầu tư 1.089,4 triệu USD, 16 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm 97,8 triệu USD.
Tính đến cuối năm 2012, tổng thu hút FDI trên toàn thành phố đạt 1.186,27 triệu USD (trong đó có 39 dự án cấp mới với số vốn đầu tư đạt 1.119,09 triệu USD; 25 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 114,37 triệu USD). Tổng số vốn đầu tư thực hiện năm 2012 đạt 273,23 triệu USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước; riêng quý IV năm 2012 vốn đầu tư FDI thực hiện đạt 35,19 triệu USD, tăng 30,96% so với cùng kỳ năm 2011.
Kết quả vốn đầu tư thực hiện năm 2012 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là do nhiều dự án có vốn đầu tư lớn (đặc biệt là dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào thời gian cuối năm 2011 đã tích cực triển khai đầu tư, xây dựng công trình, lắp đặt máy móc, thiết bị, tuyển dụng, vận hành đầu năm 2012 theo đúng tiến độ cam kết.
Các dự án FDI trong năm được đánh giá cao về quy mô, chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cao, bao gồm các dự án mang ý nghĩa quan trọng của các tập đoàn lớn, danh tiếng của Nhật Bản đã đầu tư trong các KCN như: Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe của Bridgestone Corporation, vốn đầu tư 574,8 triệu USD, tổng diện tích đất sử dụng trong KCN Đình Vũ là 102ha; Dự án sản xuất thuốc tiêu chuẩn cao Nipro Pharma Corporation, vốn đầu tư 250 triệu USD, 15ha đất tại KCN VSIP được sử dụng cho dự án; Dự án sản xuất máy in, máy photocopy và máy đa năng của Fuji Xerox có vốn đầu tư 119 triệu USD, sử dụng 17,67 ha đất tại KCN VSIP.
Hiện nay có 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư trực tiếp tại Hải Phòng, trong đó, Nhật Bản đứng ở vị trí thứ nhất về số dự án và số vốn đầu tư (95 dự án với số vốn đầu tư 2.643,4 triệu USD); Hàn Quốc đứng thứ ba về số dự án (43 dự án) và đứng thứ hai về số vốn đầu tư (1.068,08 triệu USD).
Tính đến nay, tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn thành phố Hải Phòng là 345 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.318,28 triệu USD; vốn đầu tư thực hiện lũy kế đến nay đạt 2.869,58 triệu USD.
Cùng với những khởi sắc trong thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp FDI trên địa bàn Hải Phòng năm 2012 cũng đạt nhiều kết quả khả quan: tổng doanh thu đạt 2.692,45 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, riêng trong quí IV doanh thu của các doanh nghiệp FDI đạt 560,86 triệu USD, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm 2011; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.558,1 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2011; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.612,4 triệu USD, tăng 12,18% so với cùng kỳ năm trước; nộp ngân sách đạt 96,98 triệu USD, bằng 91,15% so với cùng kỳ năm 2011; số lao động trong khối FDI đạt 65.077 người (trong đó có 1.000 lao động nước ngoài), tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2011.
Năm 2013 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Hải Phòng – năm bản lề trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015 của thành phố. Từ đó thành phố xác định mục tiêu tổng quát thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2013 là: “Nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với điều chỉnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn, duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển với tốc độ tăng trưởng hợp lý, gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội; tổ chức thành công Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013. Tạo đà cho phát triển với tốc độ cao trong những năm tiếp theo”.
Bám sát vào mục tiêu phát triển kinh tế của thành phố trong năm 2013, một trong các nhiệm vụ quan trọng của thành phố là cần điều chỉnh cơ cấu kinh tế để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh thông qua ban hành Nghị quyết về “Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, nâng khả năng cạnh tranh, đảm bảo phát triển một cách nhanh, bền vững và hội nhập của nền kinh tế thành phố đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”; đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài, xây dựng định hướng thu hút FDI giai đoạn tới; sửa đổi, bổ sung danh mục các ngành/lĩnh vực khuyến khích, hạn chế đầu tư trên địa bàn thành phố… Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển văn hóa xã hội và bảo đảm an sinh xã hội thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia với các hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Những cố gắng nỗ lực mà toàn thành phố đã đạt được trong năm 2012 chính là nền tảng quan trọng tạo đà cho Hải Phòng tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội năm 2013 và tạo được “bước chuyển mình” đầy thuyết phục để trở thành điểm đến hấp dẫn và lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.