KKT Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 04/2006/QĐ-TTg ngày 05/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Là một trong 15 KKT của cả nước, KKT Chân Mây – Lăng Cô được phát triển theo mô hình KKT tổng hợp được vận hành theo cơ cấu riêng và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, có nhiều chính sách ưu đãi, ổn định lâu dài. KKT Chân Mây – Lăng Cô có diện tích đất tự nhiên là 27.108 ha, bao gồm 5 khu chức năng chính: khu phi thuế quan, khu đô thị, KCN – công nghệ cao, khu du lịch và khu cảng.
KKT Chân Mây – Lăng Cô có vị trí hết sức thuận lợi về giao lưu quốc tế cũng như với các vùng khác trong cả nước: nằm giữa hai thành phố lớn của miền Trung là Huế và Đà Nẵng, giữa hai sân bay quốc tế Phú Bài và Đà Nẵng, có cảng nước sâu Chân Mây có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng từ 30.000 – 50.000 DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn. Vị trí trung tâm của KKT còn được thể hiện qua vị trí đầu mối trên các tuyến giao thông quốc tế và liên vùng: nằm trên các trục đường quan trọng như Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam, hành lang kinh tế Đông Tây, là cửa ngõ ra biển Đông của các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (Lào, Thái Lan và Mianma,…); đặc biệt, Lăng Cô là một điểm đến hấp dẫn của “con đường Di sản miền Trung” và là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.
Với tiềm năng, lợi thế về địa kinh tế và địa chính trị, KKT Chân Mây – Lăng Cô hội tụ trong mình đầy đủ điều kiện để phát triển thành KKT năng động, hiện đại của miền Trung, là động lực mang tính đột phá của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc phát triển kinh tế – xã hội. Chương trình xây dựng và phát triển KKT, đô thị Chân Mây – Lăng Cô đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV xác định là một trong tám chương trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2011-2015.
Với tiềm năng thế mạnh của mình, thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2006-2010, KKT Chân Mây – Lăng Cô đã thu hút được một số lượng lớn các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư. Đến nay, trên địa bàn KKT đã thu hút được 34 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký lên đến 36,5 nghìn tỷ đồng (bao gồm 10 dự án nước ngoài cùng tổng vốn đăng ký đạt 1,32 tỷ USD); đáng chú ý là một số dự án có qui mô lớn của các nhà đầu tư có thương hiệu như: dự án Laguna Huế của Tập đoàn Banyan Tree Holdings Limited – Singapore có vốn đầu tư 875 triệu USD; dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.230 tỷ đồng; dự án đầu tư hạ tầng KCN và phi thuế quan của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn với vốn đầu tư 2.654 tỷ đồng; dự án đầu tư kho xăng dầu và cảng dầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng,…
Có thể nói, chặng đường 5 năm chưa phải là dài đối với quá trình phát triển của một KKT. Nhưng những kết quả bước đầu đạt được đã cho thấy chủ trương phát triển các KKT ven biển của cả nước, trong đó có KKT Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế là hoàn toàn đúng đắn và mang tầm chiến lược. Với bối cảnh và không gian phát triển kinh tế hiện nay, việc đẩy nhanh tiến trình phát triển toàn diện các KKT ven biển là một trong những tiền đề vững chắc để thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Những thành công có được xuất phát từ chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Chính phủ đã dành nhiều cơ chế đặc biệt ưu đãi để tập trung phát triển các KKT, với mong muốn biến các KKT thành các địa bàn động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các quy định pháp luật về các KKT đều đề cập đến các chính sách phát triển KKT và KKT dần được xem như một khái niệm quan trọng trong việc phát triển vùng, lãnh thổ. Việc ra đời Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ đã đánh một dấu mốc quan trọng để KKT có cơ sở phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và hấp dẫn hơn.
Trong thời gian tới, việc phát triển KKT sẽ có nhiều thuận lợi. Đó là xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và thế giới tăng cao; các quốc gia phát triển và các tập đoàn kinh tế nước ngoài có nhu cầu không gian, môi trường đầu tư thuận lợi, trong đó Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng phát triển. Vì vậy, việc hình thành và từng bước hoàn thiện mô hình phát triển các KKT để tận dụng ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện về xã hội nhằm có những biện pháp đột phá trong cạnh tranh quốc tế và thu hút đầu tư, làm động lực phát triển cho khu vực, vùng lãnh thổ là rất cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Song, bên cạnh những thành công đạt được, cần nhìn nhận một cách thẳng thắn là KKT phát triển chưa thực sự đạt được những kỳ vọng đã đặt ra, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nổi lên các vấn đề cơ bản như: cơ chế, chính sách cho phát triển KKT; nguồn lực; mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và ban quản lý KKT, mô hình hoạt động,… vẫn cần phải tiếp tục xem xét, hoàn thiện trong thời gian tới.
Để các KKT trên địa bàn cả nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa và có những đóng góp cho sự phát triển của đất nước xứng đáng với những chủ trương và kỳ vọng đã đặt ra, trong thời gian tới, cần thực hiện nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ, trong đó chú trọng các giải pháp sau đây:
– Thứ nhất, sau gần 10 năm kể từ ngày thành lập KKT ven biển đầu tiên của nước ta (KKT mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam), đã đủ thời gian để đánh giá rằng mô hình và thể chế về kinh tế hiện tại đang được áp dụng trong đầu tư và phát triển các KKT ven biển đã không mang lại kết quả như mong đợi. Vì vậy, cần có giải pháp đột phá về thể chế để các KKT ven biển thực sự trở thành động lực đẩy mạnh sự phát triển cho cả khu vực, vùng lãnh thổ. Cần áp dụng các thể chế hiện đại (về kinh tế) tương tự ở các KKT tự do, đặt các đặc khu kinh tế ở các nước đã thành công với mô hình này cho một số KKT ở Việt Nam, các KKT còn lại chỉ thực hiện theo lộ trình nhất định để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta.
– Thứ hai, quy hoạch phát triển các KKT ven biển đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1353/QĐ-TTg ngày 23/9/2008. Theo ước tính, nhu cầu về vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu ngoài các khu chức năng của các KKT khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng/KKT trong giai đoạn 2011-2015. Như vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển thì nhu cầu về vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu các KKT được thành lập theo quy hoạch trong thời gian tới là rất lớn, trong khi nguồn lực quốc gia phải chi cho nhiều mục tiêu khác nhau. Do vậy, đề nghị không bổ sung, thành lập mới các KKT nằm ngoài quy hoạch đã được phê duyệt để tập trung đầu tư phát triển cho các KKT đã được thành lập.
– Thứ ba, về mô hình quản lý KKT, KKT cửa khẩu: nên cho thực hiện thí điểm mô hình quản lý KKT như mô hình chính quyền đô thị trực thuộc tỉnh để quản lý toàn diện các mặt kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn KKT. KKT là khu vực có diện tích rộng, nhiều khu chức năng với nhiều hoạt động mang tính chất tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, lại có dân cư sinh sống, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật – xã hội liên quan đến nhiều lĩnh vực, có cửa khẩu, cảng biển,… nên cần thiết phải có bộ máy mang tính chất chính quyền hành chính có đầy đủ thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp, pháp luật mới có thể quản lý toàn diện các mặt hoạt động của KKT.
– Thứ tư, về công tác phân công, ủy quyền và quy chế phối hợp: cần tiếp tục đẩy mạnh ủy quyền cho ban quản lý KKT nhằm giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, tạo đột phá về đầu tư và phát triển KKT; đồng thời cần đưa ra các quy định cứng về các nhiệm vụ được ủy quyền cho ban quản lý KKT trong các văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi Nghị định 29 hoặc ban hành Nghị định riêng cho các KKT ven biển, Luật về các KKT ven biển,…). Trong thời gian trước mắt, đề nghị sửa đổi Nghị định 13/2008/NĐ-CP ngày 04/2/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, xem ban quản lý KKT là cơ quan chuyên môn cấp sở, quy định chức năng nhiệm vụ chủ yếu và cơ cấu tổ chức của ban quản lý KKT.
– Thứ năm, để khắc phục vấn đề chồng chéo, vướng mắc giữa các văn bản pháp luật có liên quan đến KKT, nên có chủ trương ban hành đạo Luật về xây dựng và phát triển các KKT ven biển thay cho Nghị định 29/2008/NĐ-CP trong giai đoạn 2015-2020.
– Thứ sáu, nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào KKT ven biển, nên cho phép tăng thời hạn hoạt động và thời gian thuê đất của dự án từ 50 năm lên 70 năm đối với các dự án quan trọng đầu tư vào địa bàn KKT ven biển.
– Thứ bảy, các bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chức năng cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho ban quản lý KKT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý doanh nghiệp trên địa bàn cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
– Thứ tám, hiện nay, thị trường kinh doanh bất động sản du lịch tại KKT Chân Mây – Lăng Cô đang được các nhà đầu tư rất quan tâm, đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước. Vì vậy, để khai thác hiệu quả quỹ đất, tăng nguồn thu cho ngân sách cũng như tăng hiệu quả thu hút các nhà đầu tư, đề nghị Chính phủ cho phép quy hoạch dành một phần diện tích đất trong các dự án du lịch (bao gồm các căn hộ và khu biệt thự) để bán căn hộ, biệt thự gắn với quyền sử dụng đất lâu dài.
– Thứ chín, đề nghị Chính phủ, Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, hướng dẫn hoạt động của Thanh tra KKT nhằm tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện.