Thực trạng phát triển
KCN Đà Nẵng được xem là thành công trong việc xây dựng và phát triển kinh tế công nghiệp. Đây cũng là KCN đầu tiên tại Đà Nẵng sớm hoàn thiện công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo mật độ cây xanh. Trạm xử lý nước thải của KCN Đà Nẵng được đầu tư hoàn thiện và đi vào hoạt động từ năm 2009.
Các KCN còn lại như: Hòa Khánh, Liên Chiểu, Dịch vụ thủy sản, Hòa Cầm và Hòa Khánh mở rộng đều được đầu tư kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ với hệ thống giao thông, san nền, thoát nước mưa, điện chiếu sáng, cấp nước, thu gom, đấu nối nước thải đã được hoàn thành trên 70%. Các trạm xử lý nước thải tại hầu hết các KCN này đều đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Riêng tại KCN Hòa Khánh mở rộng, công ty đầu tư hạ tầng tiến hành thu gom nước thải của các doanh nghiệp về xử lý tại Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Hòa Khánh. Tại KCN Hòa Cầm, hệ thống xử lý nước thải tập trung đang hoàn thiện và dự kiến sẽ vận hành chính thức vào cuối năm 2012.
Việc phát triển các KCN trên địa bàn thành phố góp phần làm ngành công nghiệp phát triển, tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho một bộ phận lao động tại thành phố Đà Nẵng cũng như các tỉnh lân cận.
Tính đến nay, các KCN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã thu hút được 347 dự án đầu tư, trong đó có 272 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư trên 11.496 tỷ đồng và 75 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 689,4 triệu USD. Giá trị sản xuất của các KCN đạt 13.352 tỷ đồng, chiếm 35,7% giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các KCN đạt 342,57 triệu USD, chiếm 59,4% so với giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Các KCN đã giải quyết việc làm cho khoảng 63 nghìn lao động phổ thông.
Là một trong những lá cờ đầu trong việc phát triển mô hình KCN trên cả nước và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, tuy nhiên quá trình xây dựng và phát triển KCN của thành phố Đà Nẵng cũng gặp phải không ít khó khăn. Một trong những vấn đề “nóng” tại các KCN trên địa bàn thành phố hiện nay là bất cập trong việc giải tỏa mặt bằng, đền bù và giải tỏa cũng như tái định cư cho người dân trong phạm vi quy hoạch. Điều này là một trong những nguyên nhân cơ bản làm chậm tiến độ thi công của các dự án, tăng chi phí các hạng mục đầu tư, ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó,chất lượng cơ sở hạ tầng không đồng đều ở trong và ngoài KCN nên chưa đáp ứng tốt được yêu cầu từ nhà đầu tư trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài; lao động có kỹ năng và nhà quản lý giỏi phục vụ cho các doanh nghiệp trong KCN còn thiếu; dịch vụ hỗ trợ sau đầu tư chưa hoàn thiện; quỹ đất sẵn có với hạ tầng đầy đủ còn ít. Ngoài ra, bảo vệ môi trường xung quanh các KCN cũng đang là vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các KCN trên địa bàn thành phố,…
Hiện nay, tuy tỷ lệ lấp đầy tại các KCN trên địa bàn khá cao, nhưng do chưa tập trung chọn lọc chất lượng dự án nên đa số các dự án đầu tư có quy mô nhỏ và hàm lượng công nghệ không cao. Hoạt động chuyển giao công nghệ tại các doanh nghiệp diễn ra còn chậm. Tuy làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, tiếp cận với các công nghệ sản xuất tiên tiến nhưng nhìn chung lao động Việt Nam vẫn chưa được đảm nhận nhiều các vị trí quản lý chuyên môn. Những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng định hướng phát triển công nghiệp phụ trợ là ưu tiên hàng đầu nhằm kêu gọi đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các tập đoàn đa quốc gia, tuy nhiên, việc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ vẫn còn hạn chế. Đây không chỉ là khó khăn của Đà Nẵng mà còn là khó khăn chung trong việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam hiện nay.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Để thúc đẩy việc đầu tư và phát triển các KCN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong mối liên kết, hợp tác phát triển với các KKT, KCN, KCNC trong khu vực miền Trung, những năm tới, thành phố Đà Nẵng sẽ nỗ lực tập trung triển khai những nội dung chính như sau:
Quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ các KCN
Phải đồng bộ trong quản lý quy hoạch phát triển KCN, từ cơ sở hạ tầng ở trong và cả ngoài KCN đến hạ tầng gắn liền với khu tái định cư, nhà ở cho người lao động và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng, bảo vệ môi trường,… đặc biệt là quy hoạch để thực hiện bảo vệ môi trường, xử lý rác thải công nghiệp đúng cách.
Nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các KCN, KKT, KCNC
– Phối hợp với các địa phương tại khu vực miền Trung tập trung quy hoạch các ngành nghề trọng điểm cần thu hút đầu tư vào các KCN, KKT, KCNC phù hợp ưu thế của mỗi địa phương, từ đó tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận với lĩnh vực mà mình quan tâm. Ví dụ, thu hút đầu tư công nghệ cao tại Đà Nẵng, đối với Quảng Nam là công nghiệp ô tô, còn công nghiệp lọc hóa dầu phát triển tại Quảng Ngãi, công nghiệp chế biến lâm sản ở Bình Định, công nghiệp đóng tàu tại Khánh Hòa,… với mục tiêu thu hút các nhà đầu tư với nguồn vốn lớn, làm bàn đạp cho sự phát triển của địa phương và của cả vùng.
– Chú trọng xúc tiến đầu tư vào các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc,… để có được nguồn đầu tư từ những nhà đầu tư dồi dào tiềm lực về công nghệ hiện đại cũng như tài chính lớn.
– Đơn giản hóa thủ tục đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ đầu tư tại các KCN, KCNC. Thủ tục, quy trình đầu tư cần rõ ràng, minh bạch với thời gian giải quyết cụ thể, được dịch sang tiếng nước ngoài; các dịch vụ hỗ trợ đầu tư như ngân hàng, hải quan, logistics… cần được nâng cấp và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của nhà đầu tư một cách hiệu quả nhất về thời gian và chi phí.
– Tổ chức định kỳ các hội nghị chuyên đề xúc tiến đầu tư vào khu vực miền Trung nhằm tạo ấn tượng về một thương hiệu kinh tế riêng biệt cho cả vùng, hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc nắm bắt các thông tin cụ thể về môi trường đầu tư tại các tỉnh miền Trung, đồng thời quảng bá trực tiếp về hình ảnh và môi trường đầu tư tại từng địa phương.
– Học hỏi, trao đổi với nhau để cùng nhau nâng cao kinh nghiệm, đồng thời phát triển kỹ năng xúc tiến đầu tư, khả năng đàm phán cũng như nâng cao trình độ ngoại ngữ.
Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, quảng bá về các KCN
Xây dựng thông tin quảng bá về các KCN, KCNC của địa phương một cách chuyên nghiệp, làm nổi bật được lợi thế riêng của địa phương, giới thiệu chi tiết về vị trí, điều kiện cơ sở hạ tầng, bản đồ quy hoạch, ngành nghề thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư, giá thuê đất, phí sử dụng hạ tầng… của từng KCN, KCNC để cung cấp cho nhà đầu tư những thông tin chuẩn xác, rõ ràng tạo sự thuận lợi đối với các nhà đầu tư.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo và phân bố lao động phù hợp giữa các địa phương trong vùng
Tạo điều kiện để các trung tâm dạy nghề trên địa bàn liên kết cùng với các cơ sở đào tạo và dạy nghề trong Vùng để đào tạo nhân lực phù hợp với các lĩnh vực, ngành nghề đã được quy hoạch thu hút đầu tư vào các KCN, KKT, KCNC của từng địa phương.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KCN
Chủ động nghiên cứu và kiến nghị với Trung ương nhằm hoàn thiện chính sách phát triển các KCN; kiện toàn các ban quản lý KCN đảm bảo đủ thẩm quyền, nguồn lực để quản lý các KCN theo hướng một cửa, một đầu mối và xứng đáng với tầm vóc của các KCN trong sự phát triển về mặt kinh tế và xã hội của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung.