Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN, KKT
Việc quản lý đầu tư xây dựng các hạ tầng kỹ thuật của KCN, KKT được giám sát chặt chẽ về tiến độ, khối lượng cũng như chất lượng, đảm bảo đúng quy định của nhà nước. Các dự án đầu tư phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư vào KKT, KCN.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tại các KCN đã có 2 công trình khởi công xây dựng, gồm hạ tầng phục vụ mở rộng Nhà máy May S&D thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ KCN Tây Bắc Quán Hàu và Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy xử lý nước thải KCN cảng biển Hòn La từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Tại các KKT, KKT cửa khẩu, đã và đang triển khai thi công các công trình, dự án như: Dự án Đường trục dọc KKT Hòn La; Dự án Nhà liên ngành và Quốc môn KKT cửa khẩu Quốc tế Cha Lo; Dự án Hạ tầng khu phi thuế quan và các điểm dịch vụ KKT cửa khẩu Cha Lo; Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu trung tâm cửa khẩu Quốc tế Cha Lo.
Cảng Hòn La, tỉnh Quảng Bình
Chuyển biến tích cực trong công tác xúc tiến đầu tư
Với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hoạt động xúc tiến đầu tư được Ban Quản lý KKT Quảng Bình triển khai hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ban đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 05 dự án đầu tư vào các KCN, KKT của tỉnh với tổng mức đầu tư đăng ký là 191,2 tỷ đồng; cấp điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 03 dự án; bên cạnh đó, có 02 dự án đang thực hiện đăng ký đầu tư với tổng mức đầu tư 1.775,2 tỷ đồng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng cao
Trong 6 tháng đầu năm 2017 sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KKT, KCN tỉnh Quảng Bình đạt mức tăng trưởng cao: tổng doanh thu ước khoảng 1.788 tỷ đồng, đạt 147% so với cùng kỳ năm 2016; sản lượng hàng hóa bốc xếp qua cảng Hòn La 644.015 tấn, đạt 106% so với cùng kỳ năm 2016; giá trị xuất khẩu ước khoảng 870 tỷ đồng (khoảng 39,5 triệu USD), đạt 138% so với cùng kỳ năm 2016; thực hiện nghĩa vụ thuế khoảng 60,9 tỷ đồng, ước đạt 111% so với cùng kỳ năm 2016; số lao động hiện có tại các KCN, KKT là 4.712 người, tăng 1.088 người so vời cùng kỳ năm 2016; thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 5,0 triệu đồng/người/tháng.
Hoạt động thương mại qua cửa khẩu Cha Lo: Kim ngạch (bao gồm quá cảnh, phi mậu dịch) ước đạt 540 triệu USD, đạt 56% so với cùng kỳ năm 2016; thuế hàng hóa qua cửa khẩu khẩu là 9,2 tỷ đồng, đạt 24% so với cùng kỳ năm 2016; hàng hóa qua cửa khẩu 858.000 tấn, đạt 101% so với cùng kỳ năm 2016; phương tiện xuất nhập cảnh 63.100 lượt, đạt 101% so với cùng kỳ năm 2016; xuất nhập cảnh 140.300 lượt người, đạt 61% so với cùng kỳ năm 2016; thu phí sử dụng bến bãi đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa qua KKT cửa khẩu Cha Lo ước khoảng 32,9 tỷ đồng, đạt 146% so với cùng kỳ năm 2016; thu phí khác 948 triệu đồng.
Tăng cường chăm sóc và bảo vệ môi trường KCN, KKT
Để đáp ứng yêu cầu hoạt động của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong KCN, KKT, Ban Quản lý KCN Quảng Bình và các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng rất quan tâm đến công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng KKT, KCN. Chú trọng công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, tạo môi trường xanh sạch đẹp tại KKT, KCN; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh môi trường tại các KKT, KCN.
Nhìn chung, các doanh nghiệp đã chấp hành tương đối nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, không có trường hợp gây ô nhiễm môi trường tại các KCN, KKT.
Cải cách hành chính có bước tiến mới
Ban Quản lý KKT duy trì thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các KKT, KCN theo chức năng nhiệm vụ được giao, giải quyết quyết kịp thời, đúng hạn các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, lao động… cho các nhà đầu tư trong KCN, KKT. Chỉ số cải cách hành chính trong năm 2016 của Ban được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận và xếp thứ hạng cao so với các sở, ban ngành cấp tỉnh (xếp thứ 4). Đến nay, công tác ủy quyền giải quyết các thủ tục hành chính về môi trường, đất đai… đã được đa số các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, bộ phận một cửa của Ban đã tiếp nhận 26 hồ sơ thủ tục hành chính. Quy trình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, xử lý, trả lại tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tuân thủ đầy đủ các quy trình theo quy định. Bên cạnh đó, Ban đã tham mưu cho UBND tỉnh công bố 05 thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính đã được UBND tỉnh công bố và có hiệu lực thi hành thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban là 86 thủ tục; Ban đã thực hiện đăng ký 85 thủ tục hành chính cam kết rút ngắn thời gian giải quyết so với thời gian được pháp luật quy định.
Phương hướng, nhiệm vụ trong 2 quý cuối năm 2017
Với những chuyển biến tích cực trong công tác xúc tiến đầu tư, trong xây dựng hạ tầng KCN, KKT và cải cách thủ tục hành chính, trong 6 tháng cuối năm 2017, Ban Quản lý KKT Quảng Bình tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ sau:
Một là, tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng: hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng KCN cửa ngõ phía Tây thuộc KKT Hòn La tỷ lệ 1/500; hoàn thiện đồ án Điều chỉnh mở rộng quy hoạch chi tiết KCN Bắc Đồng Hới và đề án thành lập KCN Tây Bắc Quán Hàu để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; lập và trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Bến dịch vụ hậu cần nghề cá tại xã Quảng Đông; tham mưu lập Quy hoạch chi tiết một số khu chức năng trong KKT, KKT cửa khẩu khi có Chủ trương; rà soát trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung KKT Hòn La và KKT cửa khẩu Cha Lo sau 5 năm theo quy định.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh thi công các dự án chuyển tiếp từ năm 2016.
Ba là, tập trung đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; phối hợp với các sở ngành trong tỉnh, các trung tâm xúc tiến đầu tư để quảng bá, thu hút đầu tư vào các KCN, KKT của tỉnh. Lựa chọn các dự án được rót vốn đầu tư lớn, các doanh nghiệp nước ngoài, các dự án sản xuất mặt hàng được ưu tiên đầu tư, đóng góp nhiều vào ngân sách, thu hút nhiều lao động. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng cũng như trong quá trình xây dựng và khi đi vào hoạt động.
Bốn là, quản lý có hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật trong các KKT, KCN; sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời những công trình xuống cấp, hư hỏng; tăng cường công tác vệ sinh môi trường; kiểm tra chấn chỉnh bảo vệ môi trường và hạ tầng giao thông đối với các đơn vị thi công tại KKT, KCN; phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các KKT, KCN.
Năm là, thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các KKT, KCN; giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi; không ngừng cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO phù hợp với các bộ thủ tục hành chính hiện hành.
Tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trong KKT, KCN; đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp nghiêm túc thực thiện đúng các chế độ, chính sách của pháp luật, trong đó tập trung vào các lĩnh vực đầu tư xây dựng, bảo vệ vệ sinh môi trường, lao động…