Bắt đầu từ năm 2008, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Giang đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN. Đến nay, KCN Bình Vàng bước đầu đã triển khai công tác đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào KCN.
Tình hình thu hút đầu tư
Đến nay, KCN Bình Vàng đã cơ bản tạo thành 01 KCN nặng trên nền tảng khai thác tiềm năng sẵn có của tỉnh. Hiện nay đã có 12 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào KCN với tổng số vốn đăng ký là 4.972 tỷ đồng, vốn thực hiện khoảng 1.200 tỷ đồng. Các dự án hầu như đều đang trong quá trình đầu tư xây dựng, trong đó có 05 dự án đã đi vào hoạt động, bước đầu giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động địa phương và có nguồn thu cho ngân sách.
Kết quả đạt được của việc triển khai một số dự án trọng điểm như sau:
– Dự án nhà máy sản suất tinh quặng vê viên công suất 300.000 tấn/năm, khởi công tháng 3/2012, đi vào hoạt động từ tháng 10/2013. Hiện Nhà máy đã ổn định sản xuất và đóng góp một phần vào ngân sách nhà nước. Dự kiến năm 2014 sản xuất 240.000 tấn quặng vê viên, đóng góp cho ngân sách khoảng 30 tỷ đồng.
– Nhà máy sản xuất ferro mangan đạt công suất 10.000 tấn/năm, hiện đang hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.
– Dự án Trạm biến áp 110kV cung cấp điện cho KCN đã cung cấp điện cho các nhà máy từ tháng 9/2013.
– Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ferro mangan và silico mangan công suất 40.000 tấn/năm của Công ty CP mangan Việt Bắc, đã hoàn thành xây dựng (giai đoạn I) chế biến xỉ giàu, hiện công ty đang tập trung phát triển mở rộng thêm vùng nguyên liệu để chuẩn bị sản xuất. Theo cam kết của nhà đầu tư, dự kiến đến cuối tháng 9/2014, nhà máy sẽ đi vào hoạt động.
– Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chì thỏi, chì kim loại có công suất 10.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư là 427,056 tỷ đồng, dự án khởi công xây dựng ngày 25/6/2014, hiện nay đang san lấp mặt bằng.
Song song với việc triển khai các dự án trên, các nhà đầu tư cũng đang hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị đầu tư như: Dự án nhà máy sản xuất than cốc công suất 600.000 tấn/năm và Dự án nhà máy vê viên tinh quặng sắt công suất 300.000 tấn/năm. Các nhà máy được dự kiến xây dựng vào quý IV/2014. Sau khi các nhà máy đi vào hoạt động dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và hàng năm thu nộp ngân sách trên trăm tỷ đồng.
Đồng thời, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Giang đang triển khai một số hạng mục chủ yếu thuộc dự án hạ tầng giai đoạn I gồm: đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, trạm xử lý nước thải tập trung, hệ thống điện sản xuất, điện chiếu sáng… khối lượng hoàn thành chung của giai đoạn I khoảng 80%.
Một số kiến nghị
Bên cạnh thành quả đạt được, hiện nay việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Bình Vàng còn gặp không ít những khó khăn, đặc biệt về vốn đầu tư. Việc huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Bình Vàng rất hạn chế, nguồn vốn đầu tư hiện nay 100% từ ngân sách nhà nước, trong đó: nguồn hỗ trợ của Trung ương 100 tỷ đồng/01 KCN; vốn hỗ trợ cho cụm công nghiệp (CCN) chuyển sang xây dựng hạ tầng KCN 64 tỷ đồng và một phần vốn ngân sách địa phương; vốn vay từ Quỹ đầu tư phát triển đất và bảo lãnh tín dụng tỉnh, Quỹ bảo vệ môi trường. Việc huy động các nguồn vốn đầu tư khác không thực hiện được. Thiếu nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn phân bổ dàn trải qua nhiều năm đã làm tiến độ cũng như chất lượng xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật KCN bị ảnh hưởng. Vì vậy, mặc dù đã được tỉnh cho chủ trương lập dự án, tuy nhiên đến nay việc xây dựng hạ tầng giai đoạn II KCN vẫn chưa thực hiện được do thiếu vốn.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Giang đã đưa ra một vài đề xuất, kiến nghị sau:
– Đề nghị Chính phủ có chế độ ưu đãi (về việc vận chuyển hoặc đầu tư ban đầu) cho các địa phương miền núi thu hút các ngành công nghiệp có sử dụng lượng lớn số người lao động để tạo việc làm cho lao động địa phương, nhằm giảm số lượng người lao động đi làm việc ở các địa phương khác và sang Trung Quốc làm việc.
– Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương rà soát, chia nhóm đối với các KCN đã được Chính phủ quyết định thành lập để có phương án cân đối ngân sách nhà nước, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng KCN. Trong đó nâng mức hỗ trợ ngân sách Trung ương đối với KCN tại các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn ban hành theo Quyết định số 43/2009/QĐ-TTg ngày 19/3/2009 từ 100 tỷ đồng lên 150 đến 200 tỷ đồng.