Việc thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh Nam Định đã mang lại nhiều việc làm cho người lao động trong tỉnh, chuyển dịch hàng vạn lao động làm nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp; đồng thời cũng đặt ra yêu cầu với Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định cần tăng cường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động, nhằm đảm bảo xây dựng môi trường làm việc tốt, đúng chính sách pháp luật, phát huy toàn diện năng lực thể chất và trí tuệ của người lao động, góp phần phát triển ổn định, bền vững các doanh nghiệp, KCN trên địa bàn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã thành lập 4 KCN gồm: KCN Hoà Xá, KCN Mỹ Trung, KCN Bảo Minh và KCN Dệt may Rạng Đông. Các KCN thu hút được 170 dự án, gồm 135 dự án đầu tư trong nước (DDI) và 35 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào đầu tư sản xuất kinh doanh với số vốn đăng ký 7.515 tỷ đồng và 590 triệu USD, thu hút 6,1 vạn người lao động, diện tích đất đã cho thuê (thuê lại) đạt 320 ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân của các KCN Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh đạt khoảng 76% so diện tích đất thương phẩm, KCN Dệt may Rạng Đông hiện đang triển khai đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN.
Hiện nay, trong các KCN có 138 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, gồm 115 doanh nghiệp DDI và 23 doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp cơ bản sản xuất kinh doanh ổn định, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 (giá cố định năm 2010) đạt 13.880 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm 2015, giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt 510 triệu USD, tăng 28,5%, chiếm trên 50% giá trị hàng xuất khẩu của toàn tỉnh.
Nhu cầu việc làm trong các KCN tỉnh Nam Định
Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rất lớn, nhất là các doanh nghiệp FDI trong KCN Bảo Minh và sắp tới là các doanh nghiệp trong KCN Dệt may Rạng Đông. Dự kiến nhu cầu sử dụng lao động năm 2017 của các doanh nghiệp KCN trên địa bàn tỉnh tăng thêm 8.000 lao động trong nước và khoảng 35 lao động nước ngoài. Ban Quản lý các KCN tỉnh luôn bám sát chức năng nhiệm vụ của mình, tích cực phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị, các địa phương triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động và người lao động tìm kiếm việc làm.
Tính đến tháng 12/2016, lao động thường xuyên làm việc tại các KCN trên địa bàn là 3,5 vạn người, trong đó: tại KCN Hoà Xá khoảng 2,0 vạn người, KCN Mỹ Trung khoảng 0,45 vạn người, KCN Bảo Minh khoảng 1,05 vạn người; thu nhập bình quân của người lao động từ 4,8-5,2 triệu đồng/tháng, bằng 155% so với mức lương tối thiểu vùng. Lao động nước ngoài có mặt (không kể số lao động làm việc ngắn hạn) đến tháng 12/2016 là 345 người, thu nhập bình quân từ 850-1.100 USD/tháng.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động
Đến nay, Ban Quản lý đã đăng ký Nội quy lao động cho 77 doanh nghiệp, với thời hạn giải quyết bình quân 2 ngày làm việc; tiếp nhận thoả ước lao động của 38 lượt doanh nghiệp, với thời hạn giải quyết bình quân 2 ngày làm việc; tiếp nhận hệ thống thang lương và bảng lương của 53 doanh nghiệp, với thời gian giải quyết bình quân 2 ngày làm việc; tiếp nhận báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của 31 doanh nghiệp và thẩm định, trình UBND tỉnh chấp thuận; cấp, cấp lại Giấy phép lao động cho 322 lao động nước ngoài với thời gian giải quyết bình quân 3-4 ngày làm việc, bằng 50% thời gian so quy định; nhận các báo cáo về lao động của doanh nghiệp và thực hiện tốt chế độ báo cáo về lao động trong KCN gửi UBND tỉnh, các cơ quan uỷ quyền lao động theo quy định.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật về lao động cho các doanh nghiệp (từ 2-3 lớp/năm). Chỉ đạo các doanh nghiệp tự tổ chức huấn luyện an toàn – vệ sinh lao động, phổ biến Nội quy lao động, Thoả ước lao động cho người lao động, thực hiện các hình thức dân chủ trong doanh nghiệp. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn lao động, thời giờ làm việc, BHXH, công đoàn… để đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả công tác quản trị lao động trong sản xuất kinh doanh.
Thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác lao động, qua đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và góp phần giảm chi phí quản lý doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính liên quan đến thực hiện nhiệm vụ uỷ quyền đều được giải quyết theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, thường xuyên không có hồ sơ tồn đọng quá thời hạn quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về lao động của Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn. Việc ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2012 còn chậm trễ, thiếu đồng bộ đã gây khó khăn cho doanh nghiệp. Số lượng và chất lượng lao động khi được tuyển dụng thường chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (nhất là lao động có tay nghề tốt, chuyên môn giỏi), nên đa phần lao động phải qua đào tạo tay nghề tại chỗ cho đến khi đáp ứng yêu cầu công việc. Chính sách tiền lương làm thêm giờ và thời giờ làm thêm còn bất cập so với đòi hỏi tăng trưởng sản xuất và tăng thu nhập, nên tranh chấp lao động tự phát còn xảy ra. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên viên thừa hành nhiệm vụ uỷ quyền quản lý nhà nước về lao động của Ban Quản lý đều có trình độ từ đại học trở lên, có ngoại ngữ khá, song năng lực quản lý nhà nước về lao động có mặt còn hạn chế.
Vì vậy, để xây dựng môi trường làm việc tốt cho người lao động và doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật lao động, Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi một số quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển thực tiễn; thường xuyên quan tâm, tập huấn kịp thời kiến thức quản lý nhà nước về lao động cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý lao động. Về phía người lao động, cần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, tinh thần trách nhiệm với công việc…
TRẦN MINH HOAN – Trưởng ban, Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định