Qua 20 năm hoạt động, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cũng như nhận được sự quan tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ban ngành trung ương, BQL các KCN Đồng Nai đã nỗ lực cùng các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp xây dựng được hệ thống các KCN có quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả.
Để giúp việc quản lý hoạt động các KCN, Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Quản lý (BQL) KCN cấp tỉnh để thực hiện cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” tại các KCN. BQL các KCN Đồng Nai được Thủ tướng chính phủ ra quyết định thành lập vào ngày 06/4/1995. Qua hai mươi năm hoạt động, BQL các KCN Đồng Nai luôn khẳng định được vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển KCN.
Quá trình hoạt động của BQL trong suốt 20 năm (1995-2015) được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu như sau:
Cơ cấu tổ chức và các nhiệm vụ của BQL
Trong thời gian đầu thành lập, BQL chỉ có 11 người và 3 phòng chức năng (phòng Hành chính, phòng Đầu tư và phòng Qui hoạch) thực hiện nhiệm vụ theo qui định tại Nghị định 192/CP. Đến tháng 7/1997, Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ về Quy chế KCN, KCX, khu công nghệ cao được ban hành thay thế Nghị định 192/CP ngày 28/12/1994 về ban hành quy chế KCN, BQL các KCN Đồng Nai được các Bộ, ngành trung ương ủy quyền một số nhiệm vụ tại các lĩnh vực đầu tư, xuất nhập khẩu, thương mại, môi trường, lao động…
Ngày 14/03/2008, Nghị định 29/2008/NĐ-CP về KCN, KCX, KKT được ban hành thay thế Nghị định 36/CP. Nghị định này có nhiều nội dung thay đổi theo chiều hướng đẩy mạnh việc phân quyền và mở rộng phân cấp quản lý. Theo đó, số lượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCC,VC) của BQL hàng năm tăng liên tục để đáp ứng yêu cầu của công việc. Đến nay, số lượng CBCC,VC trong cơ quan là 100 người. Một số phòng chuyên môn có thay đổi về chức năng, tên gọi để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Nghị định 29/2008/NĐ-CP.
Công tác quản lý trong quy hoạch và xây dựng
Khi mới thành lập, BQL được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quy hoạch tổng thể các KCN. Cuối năm 1998, sau khi Nghị định 36/CP được ban hành, Đồng Nai đã quy hoạch tổng thể được 17 KCN với tổng diện tích 8.110 ha; trong đó có 9 KCN được Chính phủ phê duyệt.
Tháng 3/2008, Nghị định 29/2008/NĐ-CP được ban hành. Theo Nghị định này, UBND tỉnh ủy quyền cho BQL các quyền như: cấp giấy phép xây dựng; xác nhận hợp đồng giao dịch bất động sản KCN; chứng nhận quyền sở hữu công trình… Các thủ tục này được xử lý nhanh chóng. Các việc khó khăn đều được BQL phối hợp chặt chẽ, sát sao với công ty phát triển hạ tầng, các cơ quan đơn vị liên quan, các địa phương có KCN giải quyết đạt nhiều kết quả.
Công tác quản lý môi trường
Việc xử lý chất thải công nghiệp, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thực hiện Nghị định số 36/CP, Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường đã ủy quyền cho BQL phối hợp với Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường Đồng Nai (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Khoa học Công nghệ) thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp xử lý chất thải công nghiệp.
Khi Nghị định 29/2008/NĐ-CP được ban hành, BQL có thêm nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá các tác động gây ra cho môi trường và cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường. Trong thời gian này, nhiều chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh được ban hành đề cập tới vấn đề môi trường. BQL đã tích cực triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết đó; phát triển hạ tầng xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhanh gọn, tuân thủ các quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Công tác quản lý đầu tư
Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong hoạt động của BQL. Năm 1997, sau khi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủy quyền cấp giấy phép đầu tư theo Nghị định 36/CP, BQL đã nhanh chóng triển khai nhiệm vụ, đồng thời kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đơn giản hơn nữa việc chuẩn bị hồ sơ và thủ tục thẩm định dự án. Đã có nhiều giấy phép được BQL cấp trong thời gian ngắn từ 2-3 ngày theo phương châm: nhanh chóng – thuận lợi – chính xác và được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO. Công tác cấp phép nhanh chóng, thuận lợi được các nhà đầu tư hết sức hoan nghênh.
Ngoài việc thực hiện tốt công tác cấp giấy phép đầu tư, BQL còn thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, như: thành lập Phòng Trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) (năm 2001) để khuyếch trương hình ảnh KCN; sớm xây dựng website về các vấn đề liên quan tới KCN; đôn đốc các Công ty phát triển hạ tầng thực hiện tốt công tác hỗ trợ DN, làm đầu mối tổ chức đoàn công tác của tỉnh đi vận động đầu tư ở các nước …
Công tác quản lý lao động
Năm 1998, BQL triển khai thực hiện Quyết định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc ủy quyền cho BQL thực hiện một số nhiệm vụ theo quy định của Nghị định 36/CP. Những nội dung thuộc về các thủ tục hành chính được BQL thực hiện nhanh chóng và chính xác, tạo được niềm tin cho các DN.
Các KCN Đồng Nai hiện có số lao động lớn nhất trong cả nước với 470 nghìn người. Vì vậy, khối lượng công việc và tính phức tạp trong công tác quản lý cũng gia tăng cao. BQL đã nỗ lực cùng các Sở, ban, ngành liên quan thực hiện tốt công tác giải quyết đình công. Thời gian gần đây, số vụ đình công đã giảm hẳn so với các năm trước.
Hàng năm, lượng công nhân tại các KCN tỉnh Đồng Nai gia tăng từ 15-20 nghìn người, nhu cầu về lao động của các DN, đặc biệt là các DN mới được thành lập, gặp áp lực lớn trong công tác tuyển dụng cũng như vấn đề trình độ và tay nghề của người lao động. BQL đã tổ chức đi nhiều địa phương để tìm nguồn cung ứng nhân công; tích cực tham gia chương trình chuẩn bị nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho các trường thiết lập mối quan hệ đào tạo theo nhu cầu của DN. Năm 2008, BQL cũng thành lập Trung tâm Đào tạo và Cung ứng lao động kĩ thuật để thực hiện đào tạo và tuyển dụng lao động cho các KCN.
Công nhân Công ty Casumina KCN Biên Hòa I (Đồng Nai)
Công tác quản lý DN
Năm 1997, Bộ Thương mại ủy quyền cho BQL một số nhiệm vụ, trong đó có việc câp Giấy phép xuất nhập khẩu; cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O mẫu D. BQL đã tích cực triển khai công tác này, vì vậy ngay trong năm 1998 BQL đã cấp được 1.500 giấy phép xuất nhập khẩu với kim ngạch 2,3 tỷ USD với thời gian cấp phép từ 1-7 ngày, nhiều Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp với thời gian 2 giờ.
Bên cạnh đó, BQL đã có nhiều đóng góp cho các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung không cần thiết trong công tác cấp phép. Sau này một số quy định thay đổi, cơ quan BQL chuyển dần sang công tác quản lý DN với nhiệm vụ trọng tâm là thống kê, theo dõi các hoạt động của DN. Do số lượng DN tại các KCN lớn (hiện tại có 825 DN FDI và 250 DN trong nước đang hoạt động), cùng với ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nên những năm vừa qua, việc tham gia giải quyết khó khăn, hỗ trợ DN rất phức tạp.
Sự ra đời của các KCN, KCX gắn liền với đường lối đổi mới, chính sách mở cửa do đại hội Đảng lần thứ VI (1986) khởi xướng. KCN được hình thành là giải phát đúng đắn trong việc huy động vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Công tác văn phòng và đại diện KCN
Bộ phận Văn phòng luôn là đầu mối trong các công tác đối nội, đối ngoại; chăm lo, duy trì mọi hoạt động của cơ quan, sớm chủ trì xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; chủ trì việc xây dựng và duy trì website của BQL; chủ trì công tác cải cách hành chính, công tác thi đua khen thưởng và nhiều công tác khác…
Với chức năng là đầu mối thông tin, theo dõi mọi hoạt động của KCN, trong nhiều trường hợp, bộ phận Đại diện có thể thay mặt lãnh đạo, các phòng chuyên môn giải quyết trực tiếp một số việc tại chỗ cho các DN. Bộ phận này hoạt động đặc biệt có hiệu quả đối với việc theo dõi, giám sát các hoạt động xây dựng, môi trường; tham gia giải quyết đình công; giải quyết các tranh chấp; nắm và thông báo cho lãnh đạo và các bộ phận các nguy cơ tiềm ẩn trong hoạt động của KCN. Mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Đại diện KCN Đồng Nai được BQL các địa phương khác quan tâm, tham khảo.
Công tác chỉ đạo, điều hành
Trên cơ sở tuân thủ đúng theo đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Nhà nước. Trong thời điểm mới thành lập, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, nên nguyên tắc chỉ đạo trong thời kỳ này là: Thận trọng trong việc xử lý công việc; đoàn kết, khắc phục khó khăn, tận tâm, tận lực hoàn thành nhiệm vụ; tích cực học hỏi, tìm tòi chính là trách nhiệm cần có của các cán bộ công nhân viên chức. Nguyên tắc này đã đi cùng BQL trong suốt chặng đường 20 năm.
Các đồng chí lãnh đạo BQL luôn kiên định với nguyên tắc “một cửa, tại chỗ” và phương châm “đồng hành cùng DN”. Khi yêu cầu cải cách hành chính trở thành nhiệm vụ hết sức cấp bách, lãnh đạo cơ quan luôn đôn đốc CBCC thực hiện các thủ tục một cách nhanh chóng, đúng quy định và thuận lợi cho DN; tích cực áp dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng các trang web, xây dựng văn phòng điện tử. Khi nhiệm vụ xử lý nước thải, chất thải và bảo vệ môi trường trở thành đòi hỏi cấp bách đối với các KCN, chủ trương của địa phương là phải xây dựng KCN “xanh, sạch, đẹp”, “an ninh trật tự, an toàn”, Lãnh đạo Ban đã tập trung chỉ đạo các bộ phận, đặc biệt là bộ phận môi trường, thực hiện mọi nhiệm vụ, hướng về mục tiêu mà địa phương đòi hỏi.
Thành quả xây dựng và phát triển các KCN
Dựa vào vị trí địa lý thuận lợi, từ năm 1994 đến 2012, Đồng Nai đã xây dựng được 31 KCN với tổng diện tích xấp xỉ 10.000 ha; hiện nay, đã lấp đầy 67% đất cho thuê. Các công ty kinh doanh hạ tầng đầu tư trên 400 triệu USD để xây dựng hạ tầng các KCN. Những năm gần đây các KCN Đồng Nai đã có những tiến bộ hết sức quan trọng trong việc xử lý nước thải, chất thải và bảo vệ môi trường.
Tại 31 KCN hiện có các nhà đầu tư thuộc 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư, với tổng số 1.336 dự án; trong đó có 973 dự án FDI, với tổng vốn 17,7 tỷ USD; 369 dự án trong nước, với tổng vốn 43 nghìn tỷ đồng. Những năm gần đều thu hút được đầu tư và đều đạt và vượt con số 1 tỷ USD; năm 2014 thu hút đạt 1,5 tỷ USD và trên 4 nghìn tỷ đồng. Ngành nghề trong các KCN hết sức đa dạng, có nhiều DN có trình độ công nghệ cao, thu hút nhiều lao động, có thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Các doanh nghiệp hoạt động khá khả quan, đạt kết quả khả quan, hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối ổn định, các chỉ tiêu năm sau đạt cao hơn năm trước. Các KCN Đồng Nai thu hút khoảng 470 nghìn lao động đang làm việc trong các KCN, chiếm 21% tổng số lao động trong KCN cả nước (lao động cả nước 2,25 triệu người tại thời điểm cuối năm 2014), trong đó có hơn 5 ngàn lao động là người nước ngoài. Các KCN đóng góp ngân sách địa phương đạt và vượt kế hoạch: năm 2012 đóng góp 461 triệu USD; năm 2013 đóng góp 533 triệu USD; năm 2014 đóng góp 534 triệu USD.
Công cuộc xây dựng và phát triển KCN đã mang lại cho Đồng Nai những lợi ích to lớn.
Thứ nhất, đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện khung pháp lý chung về KCN và công tác cải cách thủ tục hành chính.
Thứ hai, góp phần quan trọng trong việc quy hoạch, hình thành và phát triển các khu đô thị mới; hệ thống hạ tầng chung cũng được phát triển một cách nhanh chóng.
Thứ ba, thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, tạo điều kiện để Đồng Nai tiếp cận và giúp cho bước đầu trong quá trình hội nhập quốc tế; tiếp đó sang công nghiệp – dịch vụ và nông nghiệp.
Thứ năm, góp phần hình thành và tăng nhanh các hoạt động dịch vụ như : dịch vụ vận tải hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ hải quan, dịch vụ cung ứng lao động, dịch vụ xử lý chất thải, dịch vụ ở trọ….
Thứ sáu, góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, khuyến khích học tập, nâng cao dân trí.
Thứ bảy, giúp cho tỉnh Đồng Nai thiết lập được nhiều mối quan hệ quốc tế, cụ thể là các mối quan hệ về văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Để góp phần đạt được những kết quả nêu trên, ngoài nỗ lực phấn đấu cùng toàn tỉnh quyết tâm xây dựng thành công các KCN, phải kể đến nỗ lực xây dựng cơ quan BQL, trước hết là:
Công tác xây dựng Đảng
Trong 20 năm qua, Đảng bộ BQL không ngừng phát triển về quy mô, chất lượng và phương thức lãnh đạo. Những ngày đầu thành lập, chi bộ có 4 đảng viên. Đến năm 2011, Chi bộ phát triển thành Đảng bộ với 4 Chi bộ. Đầu năm 2015, số lượng đảng viên của Đảng bộ là 45 người, chiếm 47% tổng số CBCC,VC và tăng hơn 10 lần so với thời gian mới thành lập. Cùng với sự tăng trưởng về quy mô, chất lượng đảng viên và Đảng bộ dần được nâng cao.
Công tác đoàn thể
Công đoàn cơ sở BQL được hình thành ngay từ khi thành lập cơ quan. Qua 20 năm hoạt động, tổ chức công đoàn đã xây dựng được đội ngũ vững mạnh, có nhiều hoạt động thiết thực cho đời sống CBCC,VC. Công đoàn tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, học tập; tích cực vận động các đoàn viên tham gia các phong trào thi đua, phong trào văn, thể, mỹ; quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho đoàn viên,… Trong 20 năm tổ chức công đoàn luôn hoạt động theo đúng cương lĩnh và tôn chỉ của đoàn thể, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan.
Chi đoàn BQL được thành lập trong giai đoạn đầu thành lập cơ quan. Hiện nay chi đoàn có 38 đoàn viên, chiếm 40% tổng số CBCC,VC cơ quan. Chi đoàn được Đảng bộ và lãnh đạo cơ quan hết sức quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động như: học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện tốt các phong trào thanh niên xung kích; phong trào “đồng hành với thanh niên”; tích cực tham gia các kỳ hội trại, thi đấu thể thao, liên hoan văn nghệ đạt nhiều giải thưởng. Chi đoàn luôn là vườn ươm các đối tượng trung kiên cho việc phát triển đảng viên mới.
Đồng hành cùng các KCN, 20 năm qua đi, BQL các KCN Đồng Nai đã trưởng thành, lớn mạnh về nhiều mặt; đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và bài học quý báu. Chặng đường sắp tới đòi hỏi công tác quản lý KCN phải hiệu quả hơn nữa; các KCN phải được xây dựng xanh, sạch và đẹp hơn; an ninh, trật tự, an toàn phải tốt hơn; KCN phải hiện đại. Trước thách thức đó, với niềm tin Đồng Nai sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, BQL các KCN Đồng Nai sẽ càng cố gắng trong mọi hoạt động công tác, xứng đáng với địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng và phát triển KCN, xứng đáng với niềm tin và sự tín nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Nguyễn Mạnh Văn – Phó Trưởng ban, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai