tỉnh Hòa Bình
Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình được thành lập theo Quyết định số 718/QĐ-TTg, ngày 07/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2007. Đến nay, bộ máy tổ chức của Ban đã phát triển lớn mạnh, đưa hoạt động quản lý nhà nước về KCN trên địa bàn từng bước đi vào ổn định, nề nếp, góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư, phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh.

Nỗ lực triển khai công tác quy hoạch và phát triển các KCN

Ngay sau khi thành lập và đi vào hoạt động, Ban Quản lý đã chủ trì xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển các KCN tỉnh Hoà Bình đến năm 2020; tham mưu cho UBND tỉnh trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào qui hoạch các KCN Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 với 08 KCN: Lương Sơn, Bờ trái sông Đà, Mông Hóa, Nam Lương Sơn, Lạc Thịnh, Yên Quang, Nhuận Trạch và Thanh Hà với tổng diện tích quy hoạch 1.616 ha.

Trong thời gian qua, Ban Quản lý đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh rà soát lại quy hoạch các KCN của tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Hòa Bình đến năm 2020. Hiện nay, 08 KCN của tỉnh có tổng diện tích quy hoạch là 1.510 ha.

Một trong các vấn đề được ưu tiên chính là công tác đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng KCN và được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Ban. Thời gian qua, Ban đã xây dựng, đề xuất Danh mục và tổ chức triển khai đầu tư vào các hạng mục hạ tầng kỹ thuật các KCN bằng ngân sách được cấp. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng các KCN cam kết, tổ chức triển khai đầu tư đúng lộ trình, tiến độ đầu tư; kiên quyết xử lý đối với những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.

Đến nay KCN Lương Sơn và KCN Bờ trái sông Đà đã cơ bản đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật KCN; các KCN: Mông Hóa, Lạc Thịnh, Yên Quang đang được tiếp tục triển khai đầu tư, hoàn thiện một số công trình thiết yếu.

Tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các KCN tỉnh Hòa Bình đến nay đạt gần 850 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 161 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 70 tỷ đồng và vốn của chủ đầu tư hạ tầng gần 620 tỷ đồng.

Thúc đẩy hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, bổ sung các KCN của tỉnh vào quy hoạch các KCN Việt Nam đến năm 2020, Ban Quản lý đã tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, ngành trong tỉnh, các tổ chức thúc đẩy đầu tư từ nước ngoài và các chủ đầu tư hạ tầng KCN để xây dựng, tổ chức các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh. Với những cố gắng trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, đến nay, có 6/8 KCN đã có chủ đầu tư hạ tầng, trong đó có 01 nhà đầu tư nước ngoài, 04 nhà đầu tư trong nước và 01 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Quản lý.

Về thu hút các nhà đầu tư thứ phát, trước năm 2007, KCN Lương Sơn có 06 dự án đầu tư được UBND tỉnh cho thuê đất đầu tư thực hiện dự án, các KCN còn lại đến năm 2010 mới bàn giao cho Ban Quản lý quản lý trực tiếp. Sau 10 năm hoạt động, tính đến hết tháng 5/2017, các KCN của tỉnh có tổng số 70 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là 411,59 triệu USD và 8.239,48 tỷ đồng.

Hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp KCN hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả

Ban Quản lý luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư, đưa các dự án đi vào hoạt động. Hiện tại, các KCN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 45/70 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội của tỉnh, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 15.000 người lao động, đặc biệt là lao động địa phương.

Tính riêng năm 2016, doanh thu của các dự án trong các KCN đạt 11.751 tỷ đồng, bằng 50,3% so với giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp – xây dựng (năm 2016) toàn tỉnh; giá trị xuất khẩu đạt 461,5 triệu USD, chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; nộp ngân sách nhà nước 183 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 15.500 lao động.

Với những thành tích đạt được, nhiều năm qua Ban Quản lý và các doanh nghiệp KCN trên địa bàn đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND tỉnh Hòa Bình trao tặng cho tập thể, cá nhân Ban Quản lý và các đơn vị thành viên. Các Chi bộ, Đảng bộ được công nhận là cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh nhiều năm liên tục; các tổ chức đoàn thể đạt danh hiệu vững mạnh.

Phát triển bộ máy tổ chức cơ quan ngày một lớn mạnh

Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, bộ máy tổ chức Ban Quản lý không ngừng phát triển lớn mạnh. Đến nay, Ban Quản lý có 04 phòng chuyên môn và 01 đơn vị sự nghiệp trực thuộc (Trung tâm phát triển hạ tầng và dịch vụ các KCN), đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc. Ban Quản lý thường xuyên quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; công tác nghiên cứu ứng dụng triển khai khoa học kỹ thuật đã được nghiên cứu, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc…

Về tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị, đến nay Đảng bộ Ban được tổ chức thành 04 chi bộ trực thuộc; các tổ chức công đoàn, đoàn TNCS Hồ Chí Minh hoạt động có hiệu quả. Các phong trào thi đua được Ban phát động, tổ chức thường xuyên, liên tục với nội dung đa dạng, phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị, đã tạo động lực động viên, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan và các doanh nghiệp trong các KCN phấn đấu hết sức mình vì sự phát triển lớn mạnh của đơn vị.

Nhiệm vụ then chốt và các giải pháp trọng tâm

Trong thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ then chốt trong công tác quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt chú trọng việc tham mưu cho UBND tỉnh  triển khai thực hiện Kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về đẩy mạnh phong trào phát triển công nghiệp của tỉnh Hòa Bình; nghiên cứu các giải pháp và làm việc có hiệu quả hơn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng các KCN, đưa ra các chính sách ưu đãi cho những dự án lớn; xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các KCN; cải tạo, nâng cấp các hệ thống cung cấp nhiên liệu, điện, nước để quá trình sản xuất diễn ra trơn tru

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy hoạch phát triển các KCN bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ nói riêng và của cả nước nói chung; điều chỉnh linh hoạt quy hoạch các KCN nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển và tạo sức hút đầu tư; xây dựng nhà ở công nhân, cung văn hóa,… cũng như các công trình phụ trợ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho công nhân;  tuyệt đối không được để tình trạng xây dựng trái phép diễn ra.

Đồng thời tăng cường công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, công tác quản lý cư trú, xuất, nhập cảnh, quản lý người lao động nước ngoài, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất dễ cháy, chất độc hại. An ninh trật tự phải được bảo đảm, địa bàn có các KCN, đôn đốc trong việc kiểm tra và xử lý các vi phạm kịp thời. Tuyệt đối trong quá trình giải phóng mặt bằng KCN không để ảnh hưởng đến cảnh quan, di tích lịch sử có giá trị của địa phương.

Đối với các doanh nghiệp trong các KCN, đề nghị các chủ đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp có dự án đầu tư trong các KCN tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, đưa dự án vào hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng tiến độ đăng ký đầu tư; duy trì tốt mối liên hệ chặt chẽ với Ban Quản lý, kịp thời phản ánh về các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai xây dựng và hoạt động sản xuất kinh doanh để Ban kịp thời giải quyết.

TRẦN VĂN PHÚC – Trưởng ban, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình